NTTU – Trong 03 ngày 01 – 03/04/2022, tập thể Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có hoạt động “Về nguồn” với chủ đề “Về lại Côn Sơn”
“Về Nguồn” là một trong số những hoạt động hàng năm của Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành để thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với bao thế hệ cha ông ta đã chiến đấu và hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Có lẽ nhiều người đã từng nghe tới hoạt động “Về Nguồn”, nhưng việc trực tiếp trở về với nguồn cội sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, nếu ta nhìn nhận đó là việc mà mọi người muốn làm, cần làm. Hoạt động này là cơ hội để những thế hệ trẻ thấy rằng ông cha ta đã từng chiến đấu anh hùng và hi sinh anh dũng như thế nào; đây cũng là cơ hội để trải nghiệm và thấm thía sự khắc nghiệt, sự mất mát mà cha ông ta đã đánh đổi để có được hoà bình ngày hôm nay; hay đơn giản là cơ hội tiếp thêm niềm tin, năng lượng để tự thân mỗi Đảng viên tiếp tục phấn đấu giữ gìn bình yên và cống hiến cho Tổ quốc thân yêu.
Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tại Côn Đảo
Côn Sơn là cách gọi khác của Côn Đảo trước thế kỷ XX, là một quần đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km² nằm ngoài khơi thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý. Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Nhà tù Côn Đảo) gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.
Đảng bộ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dâng hoa viếng thăm và dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương
Đặt chân đến Côn Sơn, Đoàn đã dâng hoa viếng thăm và dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương; tham quan và tìm hiểu về hệ thống các nhà tù tại Côn Đảo, nơi giam giữ rất nhiều thế hệ nhà lãnh đạo, cán bộ của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khi đến đây, chúng tôi tự hỏi, điều gì đã thôi thúc họ băng mình vào gian khó như vậy? Có phải vì muốn chúng ta – những thể hệ nối tiếp được bình yên mà ngồi nghe tiếng sóng biển rì rào vỗ vào Đầm Trầu, ngắm nhìn bầu trời tỏa ánh nắng lên miếu thờ bà Phi Yến, đền Cậu, chùa Núi Một, bãi Nhát, đỉnh Tình Yêu…
Những dấu ấn lịch sử tại Bảo tàng Côn Đảo
Có những hạnh phúc không thể đong đếm, có những cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời và có những anh hùng nằm xuống nơi đây không cần tô vẽ gì thêm, cũng đã tự thân tỏa sáng.
Côn Sơn, chúng tôi hẹn ngày trở về!
Một số hình ảnh khác của hành trình:
Cao Sơn Liện